Rối loạn lo âu lan tỏa là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi phản ứng lo lắng dai dẳng, thái quá, không khu trú về bất cứ tình huống hay vấn đề nào cụ thể. Chứng bệnh này thường có liên quan đến stress trường diễn, tính cách cẩn thận, cầu toàn quá mức,... Điều trị bao gồm sử dụng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý để kiểm soát và phòng ngừa tái phát hiệu quả.

Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?

Lo lắng là phản ứng tự nhiên khi đối mặt với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống như áp lực công việc, các vấn đề tài chính,... Trong một số trường hợp, lo lắng có thể kéo dài cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng.

Ở người khỏe mạnh, các cảm xúc tiêu cực nói chung và lo lắng nói riêng chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định. Sau đó tâm lý sẽ nhanh chóng ổn định và trở về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, nếu lo lắng kéo dài dai dẳng, thái quá, không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của vấn đề, rất có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu lan tỏa.

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) đặc trưng bởi sự lo lắng thái quá và dai dẳng, diễn ra trong ít nhất 6 tháng

 

Rối loạn lo âu lan tỏa (Tiếng Anh: Generalized Anxiety Disorder/ GAD) là một loại rối loạn lo âu khá phổ biến. Đặc điểm chung của các chứng rối loạn lo âu là trạng thái lo lắng thái quá, dai dẳng về một vấn đề/ tình huống nào đó. Tình trạng này kéo dài làm suy giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là các mối quan hệ, hiệu suất lao động, làm việc,...

 

Rối loạn lo âu lan tỏa là thuật ngữ đề cập đến trạng thái lo lắng kéo dài nhưng không khu trú về một sự kiện hay nguyên nhân nào cụ thể. Bệnh nhân lo lắng tản mạn, lan tỏa về hầu hết các vấn đề trong cuộc sống như công việc, gia đình, con cái, thậm chí là tương lai,... Sự lo lắng hoàn toàn không tương xứng với tính chất của vấn đề. Tức là ngay cả khi cuộc sống không có nhiều vấn đề đáng lo ngại, bệnh nhân vẫn thường trực cảm giác lo âu dai dẳng nhưng không thể kiểm soát.

 

Rối loạn lo âu lan tỏa được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các rối loạn liên quan đến stress. Điều này có nghĩa là các yếu tố căng thẳng trong cuộc sống là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh này.

 

Theo thống kê, có khoảng 3% dân số thế giới phải đối mặt với chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Tương tự như các rối loạn lo âu khác, chứng bệnh này gặp chủ yếu ở nữ giới với nguy cơ gấp 2 lần nam giới. Bệnh có thể khởi phát ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường là giai đoạn thanh niên và vị thành niên.

Triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa

Như đã đề cập, đặc điểm chung của rối loạn lo âu là trạng thái sợ hãi, lo lắng thái quá và dai dẳng về vấn đề/ tình huống nào đó. Đối với rối loạn lo âu lan tỏa, bệnh nhân thường trực cảm giác lo lắng, bất an có tính chất tản mạn, lan tỏa, không gói gọn trong vấn đề cụ thể nào.

 

Lo âu, căng thẳng là cảm xúc thông thường của con người. Vậy nên nếu không chú ý, rối loạn lo âu lan tỏa có thể bị bỏ qua. Trường hợp chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị sẽ có xu hướng phát triển mãn tính. Cả chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh đều phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Bệnh nhân lo âu tản mạn, không khu trú và có xu hướng lo lắng mơ hồ về tất cả các khía cạnh trong cuộc sống

Để kịp thời thăm khám và điều trị, cần nhận biết rối loạn lo âu lan tỏa thông qua các dấu hiệu sau:

  • Thường trực sự lo lắng dai dẳng có tính chất lan tỏa, không khu trú. Tức là bệnh nhân lo lắng về hầu hết các vấn đề trong cuộc sống, đó có thể là con cái, vấn đề tài chính, công việc, hôn nhân, tương lai,...

  • Trạng thái lo lắng có tính chất khuếch đại, thái quá, không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

  • Lo lắng kéo dài ít nhất 6 tháng gây ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ, hiệu suất lao động, học tập và một số khía cạnh khác của cuộc sống.

  • Nhận thức được sự lo lắng của bản thân là thái quá, đôi khi dư thừa nhưng không thể nào kiểm soát.

  • Trạng thái lo lắng, căng thẳng kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân dễ bị mệt mỏi, khó tập trung và gần như mất khả năng thư giãn hoàn toàn. Lo âu kéo dài còn khiến tâm trạng trở nên cáu gắt, dễ nổi nóng, dễ mất ngủ,...

  • Ngoài căng thẳng về tinh thần, lo âu dai dẳng và quá mức còn gây căng thẳng vận động như run rẩy, đau đầu, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau vai gáy, căng cơ,...

  • Có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và nghiêm trọng hóa các vấn đề trong cuộc sống. Bệnh nhân không thể dừng ý nghĩ của bản thân về vấn đề gây ra sự lo lắng.

  • Khi sự căng thẳng, lo âu gia tăng có thể gây ra phản ứng thể chất do thần kinh thực vật hoạt động quá mức như chóng mặt, khô miệng, thở gấp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó chịu ở dạ dày,...

 

So với các rối loạn lo âu khác, bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa vẫn có thể thực hiện các hoạt động hằng ngày và học tập, làm việc được (dù hiệu suất có suy giảm). Vì mức độ ảnh hưởng không quá rõ rệt nên nhiều bệnh nhân từ chối tìm gặp bác sĩ và cho rằng can thiệp điều trị là không cần thiết. 

 

Mức độ lo âu có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn. Nếu môi trường sống thuận lợi, bệnh nhân có thể giảm bớt sự lo lắng đáng kể. Ngược lại, tình trạng có thể tồi tệ hơn khi tinh thần căng thẳng. Stress sẽ khiến cho mức độ lo âu gia tăng, bệnh nhân không thể ngừng lo lắng về các vấn đề trong cuộc sống từ công việc, sức khỏe của bản thân, tài chính, gia đình,...

 

Rối loạn lo âu lan tỏa là chứng bệnh có liên quan mật thiết đến stress. Do đó, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể mắc đồng thời với các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ và ám ảnh sợ đặc hiệu.

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan mật thiết đến stress mãn tính. Liên tục phải đối mặt với căng thẳng sẽ làm gia tăng sự nhạy cảm với các vấn đề trong cuộc sống. Từ đó hình thành tâm lý lo âu, sợ hãi và bất an về các khía cạnh từ gia đình, tài chính, công việc và cả tương lai.

 

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu lan tỏa vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây đã được xác định có liên quan đến chứng bệnh này:

1. Căng thẳng trường diễn

Stress có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn lo âu lan tỏa. Bệnh lý này có thể là kết quả của các yếu tố căng thẳng đời thường như công việc không thuận lợi, hôn nhân không hạnh phúc, áp lực khi chăm sóc con cái, mâu thuẫn với gia đình vợ/ chồng,... Những căng thẳng này tuy không nghiêm trọng nhưng nếu kéo dài vẫn có thể gây ra sự nhạy cảm, lo lắng thái quá.

Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu lan tỏa

Đôi khi rối loạn lo âu lan tỏa là kết quả sau những sang chấn tâm lý như ly hôn, gia đình phá sản, mất con cái, thất nghiệp,... Khi đối mặt với những sự kiện sang chấn, não bộ sẽ hình thành phản ứng sợ hãi trước những tình huống tương tự. Đây được xem là phản ứng phòng vệ để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, sợ hãi quá mức và dai dẳng lại vô tình gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Đặc điểm tính cách

Các chuyên gia không thể xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa. Bởi cùng đối mặt với một sự kiện/ tình huống và được nuôi dạy trong cùng một môi trường, nhưng có người vượt qua căng thẳng một cách nhanh chóng, có người phát triển thành rối loạn lo âu lan tỏa hoặc các vấn đề tâm lý, tâm thần khác.

Người có tính cách hay lo lắng, cẩn thận, cầu toàn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn bình thường

Thực tế này đặt ra cho các nhà nghiên cứu giả thuyết về vai trò của nhân cách. Quả thật, rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan đến đặc điểm tính cách của mỗi người. Sau quá trình nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy rối loạn lo âu lan tỏa chủ yếu gặp ở những có tính cách cầu toàn, cẩn thận quá mức, hay lo lắng, chi ly,..

 

Người có dạng nhân cách yếu (là dạng nhân cách có cảm xúc hay thay đổi, hời hợt) cũng dễ có nguy cơ mắc chứng bệnh này. Trong khi đó, người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, tự tin có thể vượt qua căng thẳng và những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.

3. Môi trường sống không thuận lợi

Môi trường không thuận lợi là yếu tố góp phần gây ra rối loạn lo âu lan tỏa. Người có các bệnh lý cơ thể, gia đình không hạnh phúc, thường xuyên phải lo lắng về tài chính, tương lai,... sẽ có nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần. Trong khi đó, những người có môi trường sống lành mạnh và thuận lợi ít có nguy cơ phát triển chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

4. Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố sau cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Nữ giới: Nữ giới có tính cách yếu đuối, hay lo lắng và nhạy cảm hơn so với nam giới. Do đó, chứng rối loạn lo âu lan tỏa gấp đôi chủ yếu gặp ở phụ nữ (gấp 2 lần so với nam giới).

 
  • Độ tuổi còn trẻ: Rối loạn lo âu lan tỏa khởi phát chủ yếu ở độ tuổi thanh niên hoặc vị thành niên sau đó tiến triển dai dẳng về sau. Các chuyên gia cho rằng, kỹ năng sống hạn chế, thiếu kinh nghiệm,... là nguyên nhân khiến nhiều người không thể giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Qua đó làm tăng nguy cơ stress và các rối loạn liên quan đến stress, đơn cử là rối loạn lo âu lan tỏa.

 

Thực tế, chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận về nguyên nhân gây rối loạn lo âu lan tỏa. Dù vậy, stress trường diễn vẫn được xem là nguyên nhân chủ đạo, kế tiếp là đến đặc điểm tính cách và môi trường.

Rối loạn lo âu lan tỏa có nguy hiểm không?

Rối loạn lo âu lan tỏa gây ra sự lo lắng dai dẳng, tản mạn, không khu trú về một sự việc hay tình huống cụ thể. Sự lo lắng của bệnh nhân thường rất mơ hồ, chủ yếu là lo sợ về tương lai, sợ mất việc, sợ con cái hư hỏng, sợ các vấn đề bất trắc có thể xảy ra bất ngờ,... Nỗi sợ này hoàn toàn không tương xứng với tình huống thực tế. Và dù có nhận thức được, bản thân người bệnh cũng không thể khống chế sự lo lắng và các cảm xúc tiêu cực đi kèm.

 

Tiên lượng của rối loạn lo âu lan tỏa khi được điều trị tương đối tốt. Chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng sẽ nhanh chóng được cải thiện. Tuy nhiên, cần kết hợp xây dựng môi trường sống lành mạnh, thuận lợi để xóa bỏ nguyên nhân gây ra lo âu.

Nếu không được điều trị, bệnh nhân có xu hướng lạm dụng rượu bia và sử dụng chất gây nghiện

Vì bệnh lý này có liên quan đến tính cách hay lo lắng, nhạy cảm, cẩn thận,... nên tỷ lệ tái phát là khá cao. Bên cạnh điều trị, cần chủ động phòng ngừa để tránh trường hợp bệnh tiến triển mãn tính.

 

Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể bị trầm cảm, nghiện chất, lạm dụng rượu bia. Trường hợp nặng có thể thôi thúc hành vi tự sát. Chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân đánh mất công việc, không thể học tập và sống phụ thuộc vào gia đình.

 

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa có thể gặp phải biến chứng do lạm dụng thuốc giải lo âu. Điều trị bệnh tuy có đáp ứng tốt nhưng cần sự kiên trì của người bệnh và sự hỗ trợ tích cực từ gia đình. 

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa không có triệu chứng quá điển hình. Hầu hết bệnh nhân chỉ cho rằng bản thân nhạy cảm, lo lắng hơi thái quá. Hơn nữa, do các chức năng xã hội và nghề nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều nên phần lớn các trường hợp đều chậm trễ trong việc điều trị.

Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa giống với các rối loạn lo âu khác. Đó là dựa vào biểu hiện lâm sàng, sau đó soi chiếu với tiêu chí chẩn đoán của DSM hoặc ICD. Ngoài khai thác và thống kê triệu chứng, bác sĩ sẽ tìm hiểu các yếu tố nguy cơ (môi trường sống, các yếu tố gây stress, tiền sử gia đình, tiền sử cá nhân,...) để khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.

Ngoài ra, để loại trừ các rối loạn tâm thần khác, bệnh nhân sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh để xác định HIV, viêm gan B, C,...

  • Xét nghiệm nước tiểu tìm chất gây nghiện

  • Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai

  • Đo lưu huyết não, điện não đồ

  • Siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng

  • X-Quang tim phổi

  • MRI, CT sọ não

  • Trắc nghiệm tâm lý đánh giá lo âu (thang đánh giá Hamilton, Zung,...)

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu lan tỏa

Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa hướng đến mục tiêu giảm stress và kiểm soát lo âu. Hiện tại, chưa có phương pháp tối ưu cho bệnh lý này, vì thế điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp để mang lại kết quả tốt nhất.

Sau khi chẩn đoán và đánh giá tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Ban đầu, bác sĩ sẽ ưu tiên đơn trị liệu. Trường hợp không hiệu quả sẽ đùng kết hợp thuốc giải lo âu và thuốc trầm cảm.

Để đảm bảo an toàn, thuốc sẽ được dùng với liều thấp, sau đó tăng liều từ từ cho đến khi đạt được hiệu quả. Khi dùng thuốc, bệnh nhân và gia đình sẽ được tư vấn về tác dụng phụ, đặc biệt là nguy cơ gây nghiện của nhóm thuốc giải lo âu.

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa:

Dùng thuốc giúp kiểm soát nhanh các triệu chứng do rối loạn lo âu lan tỏa gây ra

  • Thuốc giải lo âu: Thuốc giải lo âu nhóm benzodiazepin là lựa chọn đầu tay khi điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm lo âu, căng thẳng và cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả. Khi điều trị cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa, bác sĩ sẽ ưu tiên dùng các loại thuốc như Alprazolam, Lorazepam, Clonazepam,... Vì thuốc có khả năng gây nghiện nên chủ yếu được dùng ngắn hạn, sau đó can thiệp tâm lý hoặc sử dụng loại thuốc khác thay thế.

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm ít khi được dùng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, trừ trường hợp đơn trị liệu không mang lại hiệu quả. Các loại thuốc thông dụng bao gồm thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs).

  • Thuốc chống loạn thần: Các loại thuốc chống loạn thần đôi khi cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm Risperidone, Olanzapine, Quetiapine,...

  • Các loại thuốc khác: Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc chẹn beta để làm giảm các triệu chứng thần kinh thực vật hoạt động quá mức. Trường hợp rối loạn giấc ngủ đơn thuần có thể dùng thuốc kháng histamin thay vì thuốc an thần để giảm tác dụng phụ.

Dùng thuốc giúp cắt nhanh các cơn lo âu kịch phát và điều chỉnh tâm trạng hiệu quả. Tuy nhiên, rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan đến tính cách hay lo lắng, tỉ mỉ, chi li và cầu toàn. Vậy nên cần kết hợp thêm với liệu pháp tâm lý để gia tăng hiệu quả và giúp phòng ngừa tái phát. 

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Thông thường, liệu pháp này sẽ được kết hợp với điều trị bằng thuốc để cho kết quả tốt. Liệu pháp tâm lý sẽ giúp giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống.

Hiện tại, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp thư giãn và tâm lý cá nhân được xem là hiệu quả nhất đối với rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài việc giải tỏa cảm xúc tiêu cực, can thiệp tâm lý còn giúp điều chỉnh các hành vi không phù hợp. Trang bị kỹ năng kiểm soát căng thẳng, giảm bớt sự lo lắng thái quá về những vấn đề không cần thiết.

Vận động trị liệu, hoạt động trị liệu cũng được cân nhắc để giúp các triệu chứng thể chất. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp tăng hormone epinephrine giúp thư giãn hiệu quả. Nhìn chung, nếu kiên trì can thiệp tâm lý, tình trạng lo âu quá mức sẽ được cải thiện đáng kể. Hơn nữa, khi được trang bị kỹ năng giải tỏa stress, nguy cơ tái phát cũng sẽ được hạn chế tối đa.

Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là nơi bạn có thể đặt niềm tin khi có nhu cầu trị liệu rối loạn lo âu

Điều quan trọng khi can thiệp liệu pháp tâm lý là phải lựa chọn đơn vị uy tín. Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam là đơn vị tiên phong về can thiệp tâm lý trị liệu ở nước ta. Trung tâm có kinh nghiệm về trị liệu trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,...

Nếu đang gặp phải tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa, bạn đọc có thể lựa chọn trung tâm để được tư vấn lộ trình trị liệu. Lộ trình sẽ kéo dài 21 ngày với 7 ngày trị liệu trực tiếp và 14 ngày trị liệu từ xa. Ưu điểm khi trị liệu tại trung tâm NHC là lộ trình được xây dựng cá nhân hóa, phù hợp với tâm lý, tính cách của từng trường hợp. Nhờ đó, các khúc mắc, khó khăn trong tâm lý đều được giải tỏa một cách triệt để.

Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam quy tụ đội ngũ chuyên gia, master coach có tiếng trong lĩnh vực. Các chuyên gia sẽ đồng hành cùng với khách hàng trước, trong và sau quá trình trị liệu. Ngay cả khi hoàn tất trị liệu, nếu chưa thể ổn định cuộc sống, bạn hoàn toàn có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia.

TRUNG TÂM TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC VIỆT NAM:

Cơ sở tại Hà Nội:

  • Số 11 Ngõ 83 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội. Số điện thoại: 024 2216 8008 - 097 128 8008

  • Số 5 Lô 13A Trung Yên 6, Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội. Số điện thoại: 024 2216 8008 - 098 213 8008

Cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh:

  • Số 18 Phan Chu Trinh nối dài, P.13, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

  • Số điện thoại: 096 299 8008 - 028 2201 2555

Website: tamlytrilieunhc.com

Email: tamlytrilieunhc@gmail.com

Fanpage: FB.com/tamlytrilieunhc

3. Tổ chức lại lối sống

Môi trường sống thuận lợi sẽ giúp ích trong việc cải thiện căng thẳng, lo âu ở bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài ra, hạn chế stress cũng giúp phòng ngừa bệnh tái phát và giảm mức độ của các triệu chứng.

Lối sống giúp kiểm soát rối loạn lo âu lan tỏa:

  • Hạn chế cà phê, trà, thuốc lá, rượu bia và chất gây nghiện để tránh mất ngủ và gia tăng mức độ lo âu.

  • Rèn thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe thể chất và tăng khả năng chống đỡ với stress.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp ích trong việc giảm lo âu, căng thẳng và cải thiện các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

  • Học cách chia sẻ những vấn đề bản thân đang lo lắng với những người xung quanh. Lời khuyên hữu ích từ gia đình, bạn bè sẽ giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng và phần nào có cách nhìn nhận tích cực hơn.

  • Rèn luyện những phẩm chất tốt thông qua các hoạt động xã hội, thiện nguyện.

Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là vấn đề tâm lý khá phổ biến hiện nay. Dù tỷ lệ mắc bệnh chiếm đến 3% nhưng những hiểu biết về bệnh lý này còn hạn chế. Nhận biết sớm là cách để giúp bệnh nhân vượt qua sự lo lắng dai dẳng, thái quá để có một cuộc sống tốt đẹp và thoải mái hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây