Bù Đăng: Họp báo công bố các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Bù Đăng và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bombo” năm 2024
Thứ năm - 24/10/2024 21:411650
Chiều 24 -10, tại trụ sở UBND huyện, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng tổ chức họp báo công bố các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024) và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu – UVBTV, PCT.UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Lễ chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, các cơ quan, ban, ngành của huyện và các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh.
Huyện Bù Đăng sau 50 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Ngày mới tái lập, huyện có 7 xã, dân số gần 30.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Đến nay, tổng dân số đã tăng gấp gần 5 lần với 31 dân tộc anh em, đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Huyện chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, sơ chế, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bù Đăng hiện có 43 HTX, 272 trang trại trồng trọt, chăn nuôi sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Có 16 doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh, xuất khẩu hạt điều. Toàn huyện đã làm mới 490,88km đường giao thông nông thôn. Đầu tư nâng cấp, xây dựng các trạm và hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn. Đến nay tổng số hộ dân sử dụng điện trên địa bàn huyện là 36.399 hộ, chiếm tỷ lệ 99,904%.
Huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu chuẩn, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang phấn đấu đưa thị trấn Đức Phong lên đô thị loại IV và thành lập đô thị Đức Liễu loại V trong thời gian tới.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 08 – 10/11/2024, tại Khu Bảo tồn văn hoá dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo với nhiều nội dung, chương trình thể thao, văn hóa, nghệ thuật, kết nối giao thương, du lịch…được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp… đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Các hoạt động trong lễ hội cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.