Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974-14/12/2021)

Thứ hai - 13/12/2021 04:04 1.275 0
Chiến thắng Bù Đăng - Phước Long (ngày 14/12/1974) là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh, tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam.
1412

Ngược dòng thời gian về những năm 1956 - 1958, lịch sử Bù Đăng gắn liền với sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách di dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi bằng hình thức ép người dân vùng quê này lên xe và chở thẳng vào vùng đất Vĩnh Thiện, (xã Đoàn Kết ngày nay) để thành lập ra Dinh điền Vĩnh Thiện, bản chất của việc này là chúng muốn “tách dân ra khỏi Đảng” vì lúc này phong trào cách mạng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên rất cao…vô hình dung địch lại làm cho ta một việc đó là “gieo mầm cách mạng” vào với Bù Đăng vì trong số dân ép bị di cư đó có những đảng viên như: Võ Tâm, Nguyễn Lung, Phan Phước đã và đang hoạt động cho cách mạng ở quê hương… thế nên mới có câu chuyện Chi bộ Vĩnh Thiện là chi bộ đầu tiên của Bù Đăng, từ “3 hạt giống đỏ” cách mạng này về sau đã phát triển và mở ra một trang đấu tranh cách mạng rất hào hùng của quê hương Bù Đăng và Đảng bộ huyện Bù Đăng ngày nay…
Nói đến sự kiện giải phóng Bù Đăng, đòn tấn công đêm 12 rạng ngày 13/12/1974 tại Bù Đăng được xem như “đòn nắn gân” của ta trước phản ứng của Mỹ để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam, thử xem Mỹ có đem quân cứu Phước Long hay không? và Mỹ đã không dám có bất cứ một động thái nào, điều đó là cơ sở để Bộ Chính trị đi đến kết luận “Mỹ đã không còn đủ năng lực để điều quân trở lại hòng cứu chế độ ngụy quyền nữa”.
Ngày 14/12/1974, ở hướng Bù Đăng - đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công giải phóng chi khu quân sự Đức Phong. Những ngày kế tiếp đó, ta tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na (xã Nghĩa Trung ngày nay), tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam, chỉ trong 2 ngày chiến đấu anh dũng chúng ta đã làm chủ hoàn toàn, Bù Đăng được giải phóng tính từ sáng 14/12 là vì vậy; Bù Đăng cũng là địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vào những ngày cuối tháng 12/1974, các lực lượng vũ trang của Bình Phước liên tục mở những mũi tiến công địch từ các hướng. Rạng ngày 31/12/1974 mở đầu trận quyết chiến giải phóng tỉnh Phước Long, pháo binh ta dồn dập bắn vào chi khu quân sự Phước Bình, sân bay Phước Bình và núi Bà Rá. Sau đó bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt nổ súng tiến công vào chi khu quân sự Phước Bình và núi Bà Rá. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch diễn ra suốt ngày. Đến tối ngày 31/12, lực lượng ta liên tục tiến công, siết chặt vòng vây các mục tiêu còn lại của địch ở Phước Long.
Sáng 1/1/1975, quân ta với 2 mũi từ Thác Mơ, Phước Quả có pháo binh yểm trợ thọc sâu tiến công chốt cố thủ cầu Suối Dung và Tư Hiền. Cánh quân của các đơn vị Sư đoàn 7 đánh chiếm ấp chiến lược Sơn Hà, Nhơn Hòa 1, 2. Một cánh quân khác đánh chiếm đồn An Long và đồn Vạn Kiếp. Lớp vỏ ngoài của thị xã gồm hệ thống ấp chiến lược và đồn bót đã bị quân ta chọc thủng. Lúc này, vòng vây của quân ta đang dần dần siết lại. Các điểm cố thủ chính của quân địch hầu như bị tê liệt, không còn khả năng chống trả.
Sáng ngày 6/1, đúng như hiệp đồng đã thỏa thuận, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên tất cả các hướng. Đến 19 giờ ngày 6/1/1975, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng Bù Đăng - Phước Long đã tạo nên địa bàn chiến lược thuận lợi cho chiến trường Nam Bộ, đẩy nhanh sự suy sụp của quân địch, uy hiếp trực tiếp phía Quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn, góp phần nhanh chóng tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Chiến thắng này là dẫn chứng cụ thể, sinh động nhất, chứng minh cho tương quan thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường, có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị có cơ sở để ra quyết định cuối cùng, với quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam. Quyết tâm đó của Bộ Chính trị đã trở thành hiện thực, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tác giả bài viết: Trần Duy Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây