Trong những năm qua, tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Thông qua hoạt động của tổ TK&VV, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn kịp thời để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Nguyễn Văn Quyền - tổ trưởng Tổ TK&VV xã Đường 10 cùng cán bộ NH CSXH huyện kiểm tra mục đích sử dụng vốn của hộ vay
Xác định Tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Phòng giao dịch ( PGD) Ngân hàng CSXH huyện đã cùng chính quyền địa phương các xã, thị trấn và 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên mở rộng mạng lưới hoạt động đến tận các thôn, khu phố. Nhờ đó, các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Trong đó, đáng chú ý là hiệu quả sử dụng vốn vay, ý thức trả nợ của người dân ngày càng cao, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế gia đình, số tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV ngày càng tăng đã giúp người dân tiết kiệm được một khoản tiền để trả nợ gốc khi đến hạn.
Tuy nhiên, Bên cạnh đó vẫn còn một số Tổ TK&VV có chất lượng hoạt động chưa tốt, công tác bình xét cho vay và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã thực hiện rà soát và củng cố 5 tổ TK&VV có chất lượng hoạt động tín dụng thấp, hiệu quả quản lý không cao.
Từ nay đến ngày 30/06/2021, thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Bình Phước về việc rà soát, sắp xếp hồ sơ và chấn chỉnh hoạt động Tổ TK&VV. Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng sẽ phối hợp cùng hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã thực hiện rà soát, sắp xếp và chấn chỉnh hoạt động của 100% tổ TK&VV, việc quản lý hộ vay sẽ thực hiện theo liền canh, liền kề trên địa bàn các thôn, khu phố nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các Tổ TK&VV.
Tính đến ngày 30/04/2021 toàn huyện có tổng 271 tổ TK&VV do 4 tổ chức Hội, Đoàn thể quản lý (gồm Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên). Tổng dư nợ cho vay qua các tổ TK&VV đạt 339 tỷ 394 triệu đồng chiếm 99,9% tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện, tăng 18.794 triệu đồng so với đầu năm, với 11.121 khách hàng đang còn dư nợ.
Ông Hạp Tiến Khoa - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng cho biết: Hoạt động của các Tổ TK&VV đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời, các Tổ TK&VV còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Trong thời gian tới, để hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH huyện sẽ phối hợp thường xuyên với các Hội, Đoàn thể nhận ủy thác tổ chức kiểm tra để củng cố, kiện toàn kịp thời đối với các tổ TK&VV hoạt động chưa hiệu quả. Chỉ đạo tổ trưởng các tổ TK&VV thường xuyên theo dõi hộ vay đi làm ăn xa, bỏ đi khỏi nơi cư trú để phối hợp xử lý theo quy định. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tổ trưởng tổ TK&VV để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác, thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tín dụng chính sách.