Ngày 21/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Anh Châu Hồng Sơn - thôn Sơn Quý, xã Phú Sơn đang chăm sóc đàn bò của gia đình
Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục được thực hiện cho vay chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì thời hạn thực hiện chương trình này là đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.
Hiện nay mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Thời hạn cho vay tối đa là 5 năm trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Trong giai đoạn từ 2015 – 2020, Ngân hàng CSXH huyện Bù Đăng đã thực hiện cho vay 1.523 lượt hộ mới thoát nghèo số tiền cho vay hơn 52 tỷ 500 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2020, Tổng dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Bù Đăng là 32 tỷ 400 triệu đồng với 838 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được ưu tiên tập trung cho khu vực có nhiều hộ đồng bào DTTS mới thoát nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm giúp những hộ gia đình mới thoát nghèo có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần hỗ trợ các xã hoàn thành các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội, đổi mới các hình thức sản xuất,...
Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã góp phần giải quyết bài toán về vòng lẩn quẩn “nghèo - thoát nghèo - tái nghèo” do sau khi thoát nghèo người dân vẫn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giải quyết triệt để tình trạng tái nghèo tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,...
Để hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực, là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo bền vững, bên cạnh nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo thì nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo tiếp tục được thực hiện sẽ tạo động lực để người dân an tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh./.