Phục vụ tận xã, nhận tiền gửi với lãi suất ngang bằng với các ngân hàng thương mại..., dịch vụ huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mang lại nhiều tiện ích cho người gửi tiền. Không những thế, dịch vụ này còn mang tính nhân văn khi món tiền gửi được hòa chung vào dòng vốn của ngân hàng, tạo thêm nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay.
Chị Hoàng Thị Tuyết - thôn 3 xã Đường 10 nhận sổ tiết kiệm tại điểm giao dịch xã
Vào ngày Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đăng tổ chức huy động tiền gửi tại công sở xã vừa qua, chị Hoàng Thị Tuyết ở thôn 3, xã Đường 10 mang tiền đến để gửi tiết kiệm. Chị Tuyết cho biết: “Trước đây, mỗi lần muốn gửi tiết kiệm, tôi phải đi hơn 10 km đến xã Bom Bo mới có trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp. Đi đường xa cầm theo nhiều tiền không an toàn nên tôi thường chở theo người nhà. Tính ra, thời gian cả đi lẫn về cộng với thời gian giao dịch cũng mất cả buổi. Nay NHCSXH nhận tiền gửi tiết kiệm ngay tại xã, tháng nào ngân hàng cũng giao dịch vào một ngày cố định, kể cả thứ bảy, chủ nhật nên tôi gửi NHCSXH cho gần, vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”.
Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH Huyện Bù Đăng đã nhận tiền gửi tiết kiệm của hộ vay thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã là một dịch vụ mới được triển khai từ năm 2016 đến nay đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân vùng nông thôn, nhất là ở khu vực xa ngân hàng, điều kiện đi lại khó khăn. Tại các buổi giao dịch ở xã, bên cạnh việc thu gốc và lãi định kỳ, cán bộ tín dụng còn có nhiệm vụ tuyên truyền dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân địa phương. Không chỉ tuyên truyền tại buổi giao dịch, ngân hàng còn treo băng rôn giới thiệu dịch vụ trước cổng tất cả các UBND xã, thị trấn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội huyện cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các Hội, Đoàn thể ở cơ sở, tổ Tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền cho người dân biết. Trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ và nguồn vốn địa phương ủy thác hàng năm cho NHCSXH có hạn thì việc huy động thêm nguồn vốn tự có trong dân sẽ mang lại lợi ích kép. Với mức tiền gửi tối thiểu là 500.000 đồng, khách hàng đã được mở một sổ tiết kiệm. Việc thực hiện gửi tiền tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã còn mang tính nhân văn khi món tiền gửi một mặt giúp khách hàng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu duy trì thói quen tích lũy, tiết kiệm, mặt khác giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.
Đến ngày 20/09/2020, tổng nguồn vốn huy động từ dân cư tại các điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện đạt hơn 8,3 tỷ đồng, một số xã huy động vốn cao như: TT Đức Phong, xã Đức Liễu, xã Đak Nhau...
Việc huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch của các xã, thị trấn những năm qua đã tạo được sự chủ động, linh hoạt hơn về nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững tại các địa phương.
Ông Hạp Tiến Khoa - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã là sản phẩm phù hợp và ưu việt đối với hộ nghèo và các gia đình chính sách. Người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí khi đi gửi tiền và với mức gửi tối thiểu 1 lần là 500.000 đồng thì sẽ đáp ứng được mọi đối tượng khách hàng. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các gia đình chính sách, chuẩn bị điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã”.