Tuần qua, UVTV, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lưu chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác thuộc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước do bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Sở làm trường đoàn về kết quả triển khai công tác phát triển nông thôn trên địa bàn huyện.
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết: Trên địa bàn huyện Bù Đăng có 16 tổ hợp tác trên các lĩnh vực: Thủy lợi, cây ăn trái, hồ tiêu, tổ giết mổ, gia súc gia cầm với 198 thành viên; trong đó 02 tổ tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm (tổ hợp tác sầu riêng tại xã Đức Liễu, tổ hợp tác cây ăn trái Phúc Lộc Thọ tại thôn 2 xã Đoàn Kết). Về Hợp tác xã ( HTX) hiện toàn huyện có 30 HTX nông, lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ với 1.081 xã viên. Tổng vốn điều lệ đăng ký theo Giấy phép kinh doanh của các HTX 123.668 triệu đồng, diện tích đất canh tác 1.422 ha.
Hiện nay hầu hết các HTX trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả chưa cao, một số HTX hoạt động cầm chừng hoặc chưa tuân thủ các quy định của luật HTX. Về kết quả thực hiện lĩnh vực hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, đến nay huyện Bù Đăng được UBND tỉnh phê duyệt 05 dự án: Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hạt Điều theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA/EU tại xã ĐăkNhau, liên kết sản xuất tiêu hữu cơ tại xã Bom Bo, dự án liên kết lúa, gạo an toàn tại xã Đăng Hà và dự án tổ liên kết sản xuất rượu cần truyền thống của người DTTS (tại làng văn hóa dân tộc X’tiêng sóc Bom Bo. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện mô hình này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc thay đổi tư duy về chuyển đổi mô hình thâm canh, nhận thức của người dân trong việc tham gia liên kết sản xuất còn hạn chế, thị trường nông sản bấp bênh, giá cả không ổn định dẫn đến việc triển khai thực hiện liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn huyện còn chậm hơn so với yêu cầu.
Lĩnh vực ngành nghề nông thôn hiện trên địa bàn huyện có 02 nhà máy chế biến cao su, 02 nhà máy chế biến mỳ, 28 thu mua nông sản các loại. Thu hút trên 5.000 lao động và giải quyết việc làm thường xuyên cho 3.180 lao động. Giá trị sản xuất hàng hóa khoảng trên 5.235 tỷ đồng/năm.Về kinh tế trang trại, hiện có 110 trang trại, trong đó có 92 trang trại trồng trọt, 14 trang trại chăn nuôi và 04 trang trại tổng hợp. Khó khăn hiện nay đối với mô hình kinh tế này là người dân chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, các tổ chức tín dụng còn e ngại khi thẩm định cho vay đối với các khoản vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết đề nghị UBND huyện sớm thành lập Hội đồng giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả. UVTV, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lưu ghi nhận ý kiến góp ý của lãnh đạo sở và các phòng ban chuyên môn. Phó chủ tịch cũng kiến nghị sở tăng cường công tác quản lý thương hiệu Điều Bình Phước; quan tâm đến việc xây dựng hồ, đập vừa và nhỏ nhằm phục vụ công tác tưới tiêu chuyển đổi mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện…