Ðổi thay từ những con đường
Nhiều năm trước, người dân có vườn, rẫy ở khu vực thôn 4, xã Đăng Hà đi lại rất khó khăn. Dốc dài, hay còn gọi là dốc Đỏ đi ngã ba ông Pèng ở thôn 4 nay như khoác lên mình chiếc áo mới nhờ sự tiếp sức của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Con đường bê tông xi măng dài khoảng 3km qua thôn đang dần được hoàn thiện với bề rộng 6m tính cả hai bên lề. Anh Hồ Hiền Lễ có hơn 3 ha điều tại thôn 4 chia sẻ niềm vui: “Trước đây, đường đất chúng tôi đi lại cực lắm. Mỗi lần trời mưa đường trơn, lầy, dốc không đi được; xe máy phải quấn xích vào bánh xe để đi. Cảm ơn các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện giúp người dân chúng tôi có con đường thế này”.
Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Vũ Ngọc Đỉnh cho biết: Đăng Hà có những thay đổi tích cực như hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp. Trong đó, kinh phí làm đường, xã đối ứng 20%, 80% còn lại Nhà nước hỗ trợ. Nhân dân trên địa bàn xã đồng thuận, tích cực hiến đất, đóng góp để xây dựng các công trình, ngoài ra còn xây dựng được hơn 80% tuyến đường nội đồng.
Khát khao, quyết tâm xây dựng các tuyến đường giao thông trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền xã với sự tiếp sức, tạo điều kiện tối đa của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân đã và đang cụ thể hóa, hoàn thiện, giúp diện mạo Đăng Hà đổi thay từng ngày.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Năm 2023, huyện Bù Đăng phấn đấu và đã giảm 669/795 hộ nghèo, đạt 106% kế hoạch tỉnh giao. Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ nhằm giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ anh Điểu Cố ở thôn 4, xã Bình Minh có 5 người. Gia đình anh được cấp 5 sào đất theo diện tái định cư cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Anh đã trồng cao su, điều nhưng thu nhập không đáng là bao, cái nghèo vẫn đeo bám. Tháng 9-2022, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đăng xét duyệt cho vay 100 triệu đồng để mua 4 con bò chăn nuôi. Hiện bò được anh tập trung chăm sóc, 1 con đang mang thai, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế.
Tương tự, hộ anh Điểu Vũ ở thôn 5, xã Bình Minh được vay 60 triệu đồng để mua 2 con bò từ cuối năm 2021. Bò đã đẻ 3 con, gia đình anh thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Anh Điểu Vũ phấn khởi: Nhờ các cấp chính quyền giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn, định hướng làm kinh tế, gia đình tôi năm nay thoát nghèo rồi. Gia đình rất mừng.
Bù Đăng đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng nguồn vốn đã phân bổ trong năm 2023 cho huyện hơn 21 tỷ 273 triệu đồng.
Phấn đấu 100% xã về đích nông thôn mới
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng NTM, hiện Bù Đăng có 10/15 xã đạt NTM, 2 xã NTM nâng cao; 2 xã đã hoàn thành và gửi hồ sơ về tỉnh xét công nhận NTM (Đắk Nhau, Phước Sơn); xã Bom Bo đang hoàn thiện hồ sơ để xét công nhận NTM nâng cao. Năm 2024, huyện phấn đấu đưa 3 xã còn lại, gồm Nghĩa Bình, Đồng Nai và Đăng Hà về đích NTM.
Xã Đức Liễu được công nhận về đích NTM nâng cao từ giữa tháng 11-2023. Từ năm 2021 đến nay, Đức Liễu được đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao; trong đó, tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng, số còn lại do xã và người dân cùng tham gia đóng góp. Phấn khởi trước kết quả đạt được, lãnh đạo xã đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn. Ông Trần Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Đức Liễu cho biết: Giai đoạn 2025-2030, xã phấn đấu đạt đô thị loại 5. Đảng bộ xã sẽ có nghị quyết để tập trung đầu tư, xây dựng các tiêu chí trong bộ tiêu chí của đô thị loại 5.
Năm 2023, huyện Bù Đăng có sự chuyển biến rõ rệt về công tác giáo dục, đặc biệt là sự thay đổi, nâng cấp về cơ sở vật chất. Ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn trong đầu tư nâng cấp, xây mới các cơ sở giáo dục. Tính đến năm 2023, ngành có 27/54 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, vượt chỉ tiêu giao 1 trường. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Tiến Thông khẳng định: Với cơ sở vật chất đã được đầu tư như hiện nay, ngành giáo dục huyện đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả học sinh trên địa bàn, kể cả vùng sâu, xa, các điểm lẻ.
Xác định thực hiện hiệu quả, đa mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, các cấp, ngành huyện Bù Đăng một mặt hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bù Đăng cũng xác định phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tạo sức bật mới cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Mười cho biết: Huyện động viên doanh nghiệp, nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nền kinh tế chậm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, thu ngân sách trên địa bàn; tập trung giải ngân vốn đầu tư công để kích cầu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chăm lo cho y tế, giáo dục, giảm nghèo.
Xác định mục tiêu lớn, có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung, giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng nhân dân Bù Đăng với phương châm “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển” quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển giàu đẹp.
(Trích tin và ảnh từ BPO - Bình Phước online)
Tác giả bài viết: Phạm Quang