Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh phiên giao dịch tại điểm giao dịch xã của NHCSXH
Theo quyết định số 08/2021/QĐ-TTg, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm: Thời điểm xem xét xử lý nợ bị rủi ro và báo cáo kết quả xử lý nợ bị rủi ro; quy định về nguyên nhân khách quan; điều kiện và thời gian gia hạn nợ; điều kiện và thời gian khoanh nợ; điều kiện xóa nợ; biên bản đề nghị xử lý nợ bị rủi ro; hồ sơ pháp lý để xử lý nợ bị rủi ro;...
Điều kiện khoanh nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội
Theo Quyết định, khách hàng được xem xét khoanh nợ với thời gian khoanh nợ tối đa là 03 năm kể từ ngày có quyết định khoanh nợ của cấp có thẩm quyền khi có hoàn cảnh khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn do gặp rủi ro vì thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng người phải thi hành chưa có điều kiện thi hành án…
Bên cạnh đó, Quyết định còn bổ sung trường hợp tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, có hoàn cảnh khó khăn, chưa có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ được xem xét khoanh nợ với thời gian tối đa là 05 năm kể từ ngày có quyết định khoanh nợ…
04 trường hợp được xóa nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội
Quyết định quy định, tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn không có khả năng trả nợ và thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xóa nợ (gốc, lãi):
Thứ nhất, khách hàng sau khi hết thời gian khoanh nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ và Ngân hàng Chính sách xã hội đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thu được nợ.
Thứ hai, tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn đều bị rủi ro do một trong các nguyên nhân khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình: mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; chết hoặc bị tuyên bố là đã chết; bị tuyên bố mất tích; vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, tính từ thời điểm biết được tin tức cuối cùng về khách hàng vay vốn.
Thứ ba, khách hàng vay vốn bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Kho bạc Nhà nước đã được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thể thu hồi được; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5/2021.