Cụ thể, làm rõ thêm về kiến nghị này, tại buổi họp báo sau Đại hội XIII Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hiện nay hầu hết các nước Đông Nam Á mức ngày nghỉ Lễ, Tết trong năm là 15 - 16 ngày nhưng nước ta chỉ có 11 ngày.
Lễ Quốc khánh 2/9 hiện nay người lao động đang được nghỉ 2 ngày, việc đề xuất bổ sung thêm nghỉ 2 ngày để công nhân lao động có điều kiện đưa con đến trường. Cụ thể, ngày nghỉ từ ngày 2/9 - 5/9 hàng năm.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, qua những dịp đi thực tế, lấy ý kiến công nhân cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung), ông gặp những ý kiến giản dị nhưng rất xúc động của công nhân lao động. Không ít nữ công nhân đã chảy nước mắt và nói rằng mong ước của họ là trong ngày khai giảng, chính mình được đưa con đến trường.
Lao động nữ mỗi khi đi làm về rất vất vả, ít có thời gian dành cho con nên việc đưa con đi khai giảng họ cũng chưa thực hiện được. Với công nhân làm ca kíp, dây chuyền, nếu ngày khai giảng không vào thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc ngày nghỉ thì họ không có cơ hội đưa con tới trường trong ngày đó.
Việc bổ sung ngày nghỉ cần được xem xét, bởi trong giai đoạn hiện nay tổng ngày nghỉ của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực. Đồng thời, đây cũng là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn sẽ kiên trì kiến nghị nguyện vọng này đến khi Bộ luật Lao động sửa đổi trong lần gần nhất tiếp theo, thậm chí là trong những lần chỉnh sửa bổ sung quy định về các chế độ khác. Đây là việc làm thể hiện sự nhân văn của tổ chức Công đoàn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động.
Nguồn tin: Báo Tin tức
Tác giả bài viết: Báo Tin tức