Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW theo Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Thứ hai - 02/08/2021 23:24 1.125 0
Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
nh
Ngân hàng CSXH thăm mô hình nuôi dê của hộ vay Từ Thanh Sơn - xã Đức Liễu
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40), với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hôi; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để. Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng tín dụng tuy đã được nâng cao, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương; thiếu cơ chế cụ thể lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội. Năng lực, trách nhiệm của một số tổ chức nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tại cơ sở còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có lúc, có nơi chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp uỷ, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Chỉ đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
4. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ động tham mưu cho các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với từng giai đoạn. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Xây dựng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Chính trị - Xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Tác giả bài viết: Hương Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây