NÔNG DÂN BÙ ĐĂNG ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Thứ hai - 31/07/2023 05:315030
Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, hội viên dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 44%, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Bù Đăng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó đẩy mạnh liên kết và phát triển nông nghiệp bền vững. Thành công lớn nhất của Hội Nông dân Bù Đăng trong nhiệm kỳ vừa qua là việc hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tư duy canh tác lạc hậu, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng vươn lên giảm nghèo bền vững. Hàng trăm nông dân trong các thôn sóc đồng bào S’tiêng, M’nông đã tham gia vào các tổ hợp tác và hợp tác xã, được tập huấn, hướng dẫn nâng cao tình độ sản xuất đối với cây trồng chủ lực…đó là cây điều. Đã có nhiều hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tiên phong đi đầu trong việc tham gia vào mô hình HTX như hộ ông Điểu Ma Rút A - Thường trú tại thôn 5 xã Đồng Nai - Ông Điểu Ma Rút A chia sẻ: Trước kia nhà ông trồng điều là trái nó cho tự nhiên, có bao nhiêu thì lượm bấy nhiêu, chăm sóc điều mình không biết nữa, khi mà mình vào hợp tác mình biết là người ta chỉ mình tỉa cành, tạo tán điều, bỏ phân điều mới được năng suất. Đáng chú ý là trong tổng số 18 hợp tác xã nông nghiệp của huyện đang hoạt động, thì có Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai do chị Thị Khưi, một người con của dân tộc M’Nông xã Đồng Nai làm giám đốc, hoạt động rất hiệu quả. Hợp tác xã không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên mà còn không ngừng tìm kiếm các đối tác nhằm liên kết bền vững, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho bà con. Chị Thị Khưi -Giám đốc HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai chia sẻ: Hiện nay đang có 4 đối tác mua hạt điều tại HTX này, trong năm tới HTX đã liên hệ bên công ty Nhật bản thu mua trái điều cho nhóm nông dân ở đây, nếu sản xuất đạt sản lượng điều hữu cơ theo yêu cầu của Công ty. Và hiện nay thì tất cả các HTX điều hữu cơ đều đã có các đối tác liên kết ví dụ như HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch thì đã có các đối tác như Công ty Taget, cty lafaco và Công ty Mismits, họ về hướng dẫn lỹ thuật và thu mua tất cả các sản phẩm điều hữu cơ của nông dân, qua đó thì cũng nâng cao chất lượng hạt điều của mình và nâng cao thu nhập cho người nông dân Nếu như cây điều mang lại kinh tế ổn định, giúp bà con dân tộc thiểu số giảm nghèo thì cây tiêu đang trở thành cây có kinh tế mũi nhọn giúp hàng trăm hội viên nông dân ở xã Nghĩa Bình làm giàu. Vượt qua đợt dịch thối rễ chết nhanh, chết chậm lịch sử năm 2017, khiến người trồng tiêu ở Nghĩa Bình lao đao, thì nay hàng trăm bà con đã phối hợp với nhau xây dựng Hợp tác xã sản xuất theo các tiêu chuẩn tiêu sạch, VietGAP, hữu cơ mang tính bền vững. Anh Vi Linh Duy - Thôn Bình Minh, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng cho biết: Làm hữu cơ thì được cái là sức khỏe, việc nó cũng hơi nhiều hơn so với làm thường, làm thường thì ta phải xịt cỏ, còn làm hữu cơ người ta chỉ phát thôi, dùng máy phát phát cành hoặc phải giật, không giật thì leo cây cắt. Sau khi tham gia vào tổ hợp tác, hội viên thường xuyên được tham gia các cuộc họp để trao đổi, hướng dẫn nhau cách thức làm, chỉ lẫn nhau các nguồn nguyên liệu đầu vào, chỗ này tốt, chỗ này đạt chứng nhận để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm như vậy để cùng nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn huyện Bù Đăng có trên 1.000 ha tiêu, riêng xã Nghĩa Bình chiếm tỷ lệ trên 10%. Đến nay xã đã có 3 câu lạc bộ với 128 thành viên tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân đạt 3 – 4 tấn/ha, khiến người trồng tiêu ngày càng gắn bó với phương pháp canh tác bền vững này. Để có được những kết quả trên thì Hội Nông dân đóng vai trò hết sức quan trọng – Là đầu mối để giúp Nông dân liên kết lại. Bà Đinh Thị Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng cho biết: Về canh tác hữa cơ thì sản lượng thấp hơn so với tiêu canh tác thông thường nhưng thu nhập lại cao nên bà con rất phấn khởi và cũng đang hướng tích cực tham gia vào mô hình tiêu hữu cơ. Không chỉ có thế mạnh về phát triển cây điều và cây tiêu, thổ nhưỡng của Bù Đăng còn phù hợp để nông dân phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây sầu riêng. Điển hình có mô hình trồng sầu riêng, xen điều của gia đình ông Hoàng văn Hùng –thôn 8 xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Năm 1998 gia đình ông từ tỉnh Đồng Nai lên lập nghiệp tại thôn 8, xã Bình Minh có mua được 2,5 đất trắng và trồng cà phê, đến năm 2003 chuyển sang trồng sầu riêng xen điều và thấy trồng sầu riêng cho nguồn thu ổn định, nên gia đình quyết định chuyển đổi 4 ha sang trồng sầu riêng. Hiện nay gia đình chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ được cấp chứng nhận VIETGAP, tới thời điểm hiện tại năm 2022 gia đình có 10 ha trong đó: 4 ha đất trồng sầu riêng mỗi năm cho thu được 80 tấn, sau khi trừ chi phí còn 3,1 tỷ; 06 ha điều mỗi năm cho thu nhập từ 16,8 tấn sau trừ chi phí còn 266 triệu/ năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, ông Hùng còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng cho bà con xung quanh, trong đó có một số kinh nghiệm trị bệnh nấm hồng và xì mủ. Năm 2017, Hợp tác xã dịch vụ Thương mại Cây trái Long An - Minh Hưng đã được thành lập ông tham gia là thành viên của HTX. Đây là Hợp tác xã đầu tiên của xã Minh Hưng, là nơi tập trung những nông dân trồng sầu riêng lớn nhất xã. Mục đích là để bà con cùng nhau thực hiện khát vọng làm giàu từ loại cây trồng này, hàng tháng hội viên được tham gia họp để chia sẻ với nhau, mua thuốc, mua phân loại nào mà nó có kết quả hay thì chia sẻ với nhau cùng nhau canh tác.. Còn bán thì chưa đồng nhất được, còn riêng lẻ. Cũng nhờ nhà nước hỗ trợ mã số vùng trồng để buôn bán thì cũng dễ hơn. Có sản phẩm tốt, đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập và phát triển thì buộc người nông dân phải xây dựng được mã vùng trồng. Đây chính là chìa khóa để sản phẩm nông nghiệp địa phương có cơ hội được vươn ra các thị trường lớn trong nước và quốc tế. Hiện nay thì mô hình này được đánh giá hiệu quả rất là cao, hiện tại HTX sầu riêng này có 48 hội viên, có diện tích 100 hecta, trong đó có 30 hộ là đã tham gia VIETGAP, vẫn chưa có được mã vùng. Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng cố gắng hỗ trợ cho bà con có được mã vùng trồng. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện Bù Đăng đều đã xây dựng được các mô hình, sản phẩm tiêu biểu, Và mới đây, Hội Nông dân thị trấn Đức Phong, Minh Hưng cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi lươn không bùn với nhiều yếu tố phù hợp với kinh tế khu vực đô thị. Trong quá trình phát triển, nông dân có nhiều sáng tạo để phù hợp với điều kiện của gia đình. Mặc dù là huyện khó khăn với dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, đến nay toàn huyện Bù Đăng đã có trên 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hộ nghèo chỉ còn 2%. Nhìn lại bức tranh kinh tế nông nghiệp huyện Bù Đăng trong nhiệm kỳ qua, có thể thấy rõ ngoài sự nỗ lực phấn đấu của từng hội viên, từng tập thể còn là sự chung tay đầy trách nhiệm của các cấp Hội trong việc định hướng sản xuất, hỗ trợ các nguồn vốn, nguồn quỹ, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác liên kết đầu ra giúp nông dân từng bước phát triển, hội nhập. Ông Nguyễn Mạnh Sỹ -Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho biết thêm: Trong nhiệm kỳ tới, thì đối với huyện Bù Đăng sẽ xây dựng kế hoạch đưa bà con nông dân đi tham quan học tập các mô hình trong và ngoài huyện nhằm nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa chất lượng của sản phẩm ngày một nâng lên, thứ hai là Hội Nông dân huyện sẽ tranh thủ tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn cho bà con nông dân vay áp dụng trong sản xuất, thứ 3 là cầu nối tạo mối liên kết để đưa sản phẩm của nông dân tốt hơn và xa hơn. Một nhiệm kỳ mới lại bắt đầu, với các mục tiêu và giải pháp đã đề ra trên tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển”, tin tưởng rằng Hội Nông dân huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục lãnh đạo các phong trào Nông dân gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, đặc biệt là tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, qua đó từng bước đưa nông sản của Bù Đăng vươn ra biển lớn.