“Chưa bao giờ Bom Bo lại rộn rã đến thế”- đó là chia sẻ của anh chị em phóng viên về dự họp báo công bố các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974- 14/12/2024) và Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo". Điều đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi thêm một lần trở lại Bom Bo - huyền thoại đánh Mỹ.
Tiếng vọng phía đại ngàn Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là anh Vũ Đức Hoàng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng để nhờ giới thiệu những nhân chứng lịch sử của vùng đất Bom Bo. Anh niềm nở: “Người hiểu rõ về Bom Bo trong kháng chiến chống Mỹ có chú Điểu Ma Riêng, chú còn là nguyên Chiến sỹ an ninh vũ trang Khu 10, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Bù Đăng. Nhà chú ở gần căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10, huyện Bù Đăng). Các em về gặp sẽ được chú kể chuyện về người dân Bom Bo giã gạo nuôi quân, tha hồ tư liệu để viết”.
Phải mất gần 45 phút đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi mới tìm đến nhà của ông Điểu Ma Riêng sinh năm 1953, người đồng bào S’tiêng. Sau lời chào hỏi thân tình, dòng ký ức của vị già làng đưa chúng tôi ngược thời gian trở về quá khứ. Căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10) ghi dấu việc mở hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Hồi đó khó khăn, thiếu thốn, mỗi người chỉ được nửa lon gạo trong một ngày nên cái tên Nửa Lon ra đời.
Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khoẻ. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thuỷ chung với cách mạng của bà con nơi đây, cố Nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” còn mãi với thời gian. Ông Điểu Ma Riêng chia sẻ: Khi ấy đồng bào S’tiêng trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày, sẵn sàng bỏ lại nhà cửa đi theo cách mạng. Ngày thì trồng lúa mì, tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân, “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không đong đếm được. Cho nên sóc Bom Bo đi vào huyền thoại và bất diệt với thời gian, khi tên đất, tên người, từng con sông, ngọn núi đã in đậm ký ức hào hùng của một thời bão đạn của cuộc chiến vệ quốc.
Trở ra thôn Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh) để gặp già làng Điểu Lên (sinh năm 1945), người đồng bào S’tiêng. Già Điểu Lên là người lưu giữ những ký ức một thời hào hùng của buôn làng và cũng là đại diện ưu tú cho người S’tiêng trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình S’tiêng giàu truyền thống cách mạng, lớn lên trên mảnh đất Bom Bo, cũng như bao người con của buôn làng, già Điểu Lên không biết “cái chữ nó như thế nào” nhưng tinh thần cách mạng được hun đúc trong ông rất sớm. Lên 15 tuổi, Điểu Lên đã là cậu bé giao liên, làm nhiệm vụ đưa thư cho cán bộ trong căn cứ. Chưa tròn tuổi đôi mươi, ông nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia hơn 40 trận, nhiều lần lập công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”. Bỏ cây súng về với đời thường, già Điểu Lên còn sưu tầm những hiện vật gắn liền với Bom Bo. Đó còn là những câu chuyện về tấm gương con người làm rạng danh Bom Bo, là truyền thống cha ông trong đấu tranh giữ nước vang vọng từ sâu thẳm phía đại ngàn đến thế hệ con cháu hôm nay noi gương, tiếp bước.
Giữ hồn văn hoá S’tiêng Đến Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với diện tích hơn 113ha. Nơi đây có nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhánh Bù lơ ở Bình Phước. Nhà dài trệt nền đất, cửa ra vào đầu hồi làm mái lợp bằng cỏ tranh hoặc lá mây, vách làm bằng cách xếp thanh tre lại với nhau, cột tận dụng gỗ từ rừng, đảm bảo độ thoáng mát cũng như khả năng che chắn gió. Gần đó là bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam, được đúc tại làng đồng Nam Định, mỗi chiếc nặng từ 130kg đến 750kg và cần đến 12 nghệ nhân biểu diễn. Ở khu vực lễ hội còn có đàn đá nặng 20 tấn đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam được khai thác từ vùng núi Bình Phước và Tây nguyên, mỗi thanh đàn nặng dao động từ 400kg đến 600kg, mỗi thanh tương ứng với một nốt nhạc.
Anh Điểu Cóc (thành viên đội văn nghệ) tâm sự: Đồng bào S’tiêng ở Bom Bo giờ vẫn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, với làn điệu dân ca, múa truyền thống. Việc khôi phục, xây dựng sóc Bom Bo trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa là việc làm có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc S’tiêng mà còn là niềm tự hào, góp phần giữ gìn truyền thống cách mạng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm văn hoá thể thao và đài truyền hình cho biết: Địa phương có 13 đội cồng chiêng với khoảng 70 nghệ nhân biết nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, mang ý nghĩa nghi lễ và tâm linh. Nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, huyện Bù Đăng đã khảo sát, củng cố các đội cồng chiêng, xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương và trình diễn tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Vui cùng tiếng chày ngày hội Trở lại Bù Đăng lần này, Đặc biệt, Bù Đăng tổ chức lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” từ ngày 8 đến 10- 11-2024 với hội nghị “Khởi nghiệp du lịch” – công bố kết nối tour du lịch, lễ hội “Kết bạn cộng đồng” của người S’tiêng, trình diễn hòa tấu 50 bộ đàn đá, chạy việt dã xung quanh đồi Xuân Hồng, chủ đề “Đường về sóc Bom Bo”; “Đêm hội Bom Bo” hứa hẹn sẽ gây tiếng vang lớn, thu hút khách du lịch trong, ngoài tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” chia sẻ: Quảng bá tiềm năng du lịch vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn và kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Lễ hội thể hiện lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, động lực cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội và cũng để tiếng chày trên sóc Bom Bo ngày càng vang xa./.