Ông Điểu Ma Riêng kể về “Căn cứ Nửa Lon”

Thứ ba - 26/11/2024 19:25 114 0
Nằm về hướng Bắc và Tây Bắc cách trung tâm huyện Bù Đăng khoảng 30 km, Đak Nhau là nơi chuyển tiếp giữa vùng rừng đại ngàn Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ nên địa bàn của xã có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng về kinh tế lẫn quốc phòng. Tài nguyên rừng ở đây rất phong phú nên trong kháng chiến rừng đã trở thành “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, là điều kiện lí tưởng để ta xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Ông Điểu Ma Riêng kể về “Căn cứ Nửa Lon”
 
r1
Phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Bom Bo (ảnh tư liệu)
Di tích Căn cứ Nửa Lon (thuộc địa phận thôn 3, xã Đường 10 ngày nay). Vào những năm 1960 -1965 đây là địa điểm ghi dấu việc mở đường hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Từ đây, hàng vạn con em đồng bào Nam Bộ tập kết ra Bắc và về lại chiến trường, các cán bộ chủ chốt thuộc cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự miền Nam, Bộ Chỉ huy các quân khu thuộc Nam Bộ, các đoàn binh thực, các đơn vị chủ lực và phương tiện khí tài miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, góp phần đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Đường mòn chiến lược về sau được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Di tích Căn cứ Nửa Lon là nơi chứng kiến những vất vả, khó khăn của đoàn mở đường, và cũng là nơi ghi nhận sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng đoàn quân mở đường dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, góp phần vào thắng lợi của cách mạng, của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
r2
Ông Điểu Ma Riêng - Nguyên chiến sĩ An ninh vũ trang Khu 10, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ
trò chuyện với PV về “Căn cứ Nửa Lon”
Ông Điểu Ma Riêng cho biết: Căn cứ Nửa Lon giờ thành những vườn điều, cao su xanh tốt, năm tháng trôi qua đã xóa nhòa dấu tích. Trước đây, khu vực căn cứ là rừng nguyên sinh, chuyển tiếp giữa đại ngàn Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên phù hợp để xây dựng căn cứ cách mạng. Giữa năm 1960, đồng chí Phạm Thuận (Ba Thu) được phân công chỉ huy đội vũ trang tuyên truyền, mở đường đến sóc Bom Bo bắt liên lạc với đoàn công tác miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam. Băng rừng hơn 1 tháng nhưng không bắt được liên lạc, hết lương thực đành quay về Đắk Nhau lập căn cứ. Mỗi người một ngày chỉ được nửa lon gạo để ăn nên căn cứ Nửa Lon ra đời, lưu truyền với thời gian:
“Nửa lon - tên gọi thân thương
Viết nên trang sử anh hùng Đắk Nhau”.
Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khỏe. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thủy chung với cách mạng của người dân nơi đây, cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” còn mãi với thời gian.
r3
Ông Điểu Ma Riêng - Nguyên chiến sĩ An ninh vũ trang Khu 10, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ
xem lại những hình ảnh kỷ yếu
Ông Điểu Ma Riêng chia sẻ thêm: Không chỉ nhộn nhịp với phong trào giã gạo nuôi quân, đồng bào nơi đây đã tiếp tế gần 2.000 xá lúa, 80.000 gốc khoai mì cho chiến dịch, cài cắm hàng ngàn hố chông, bố phòng làng chiến đấu chống địch càn quét gần 50 trận lớn nhỏ, loại ra vòng chiến đấu hàng trăm tên địch để có một Bom Bo - huyền thoại đánh Mỹ.
Với tinh thần bất khuất kiên trung với Đảng, thà hi sinh để bảo vệ căn cứ cách mạng, phát huy truyền thống của phong trào Nơ Trang Lơn và lòng căm thù Mỹ - Diệm sâu sắc, đồng bào các dân tộc ở Đak Nhau đã đoàn kết chiến đấu hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, trong đó có 60 tên Mỹ và chư hầu, bắn cháy 4 xe tăng, bắn rơi 8 máy bay và phá hủy 12 khẩu pháo; đóng góp hàng trăm tấn lương thực cho kháng chiến, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng. Tiêu biểu trong các chiến công trên phải kể đến thành tích của những người con ưu tú, kiên trung như Điểu Xiên, Điểu K’Rú (A), Điểu Đoan, Hồ Thanh Vân…Với sự cống hiến hi sinh to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Đak Nhau đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hung Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào ngày 20/12/1994 do Đảng và Nhà nước ta trao tặng.
Với những giá trị lịch sử to lớn của di tích Căn cứ Nửa Lon, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ra quyết định xếp hạng là di tích cấp tỉnh./.
 

Tác giả bài viết: Phú Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây