Hiện nay nhu cầu sử dụng cây dược liệu trong chăm sóc sức khỏe, nhất là sau đợt dịch Covid-19 ngày một tăng cao, với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như tận dụng khai thác hiệu quả khoảng trống dưới tán cây ăn trái, cây công nghiệp, một số hộ nông dân xã Bình Minh (huyện Bù Đăng) đã mạnh dạn đầu tư, xen canh cây dược liệu Sâm Bố chính để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Qua lời giới thiệu của kỹ sư Bùi Văn Vĩnh - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng, chúng tôi hỏi thăm gia đình anh Trần Đình Quý - Thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng thì không ai xa lạ, bởi anh là người tiên phong trồng xen canh cây dược liệu – Sâm Bố Chính tại địa phương. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh vườn Sâm Bố Chính đang trong giai đoạn trổ hoa lung linh trong ánh nắng ban mai, như một vườn Hoa Lan ngợp sắc thật đẹp cho những ai chứng kiến.
Niềm vui của gia đình anh Trần Đình Quý - Thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng sau 6 tháng gian khổ thử nghiệm
cấy Sâm Bố Chính bắt đầu cho củ và thu hoạch hạt.
Qua câu chuyện bén duyên với cây Sâm Bố Chính của anh Trần Đình Quý, được biết bắt đầu năm 2020 gia đình có hơn 2 ha trồng cao su. Tuy nhiên do ảnh hưởng của lốc xoáy làm gãy đỗ gần như hoàn toàn. Được sự hướng dẫn của kỹ sư Bùi Văn Vĩnh – Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng, gia đình chuyển đổi sang trồng cây ăn trái là Sầu Riêng và xen canh cây dược liệu – Sâm Bố Chính trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Anh Trần Đình Quý chia sẽ: Trước đây diện tích vườn 2,3ha. Đến tháng 03/2020, gió, mưa xoáy làm bẻ gãy cả vườn cây cao su tôi chuyển đổi cây trồng. Qua quá trình làm cây trồng, cây ăn trái. Sau đó cảm thấy thưa đất, trống trãi nhiều. Qua quá trình bên khuyến nông của huyện Bù Đăng, kỹ sư Vĩnh có chỉ và trao đổi gia đình trồng xen canh cây Sâm Bố chính tăng thu nhập”
Nghĩ là làm, trên diện tích ban đầu, anh trồng thử nghiệm 1.000 m2 Sâm Bố Chính. Vừa trồng vừa tìm hiểu kỹ thuật, anh thường xuyên trao đổi với kỹ sư Vĩnh về kỹ thuật trồng, học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn qua giới thiệu của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng, anh còn dành thời gian nhờ con cháu trong gia đình lên mạng tìm hiểu tài liệu kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây Sâm Bố Chính. Không phụ công anh, sau 4 tháng trồng thử nghiệm cây bắt đầu cho hoa, đậu quả lứa đầu tiên. Nhìn vườn Sâm Bố Chính ra hoa, vợ chồng anh rất vui và anh sẽ tiếp tục phát triển thêm diện tích còn lại. Theo anh Quý, Cây Sâm Bố Chính rất đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế.
Anh Trần Đình Quý, thôn 7, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết thêm: “Khi mà trồng cũng thấy lần đầu nghĩ chắc có lẻ khó khăn, quá trình làm đơn giản, cũng dễ lên. Tôi cũng trải qua làm đất như trồng khoai, khi trồng cho đến bây giờ 2 lứa phân rồi. còn tưới còn tưới khi mới trồng 2 – 3 ngày tưới, bây giờ 5 ngày mới tưới thấy cây phát triển tốt, củ to như thế này, củ to lắm. bữa này cho hoa, cho quả. Giá cả đầu ra, đầu vào tôi cũng thấy yên tâm. Cái hạt 3 triệu/1 kg, củ 40.000/1 ký. Bác nông dân cứ làm để có lợi nhuận thêm một tý, có đồng vào đồng ra khá lên. Cây ăn quả, ăn trái chưa được thu, 5 năm mới thu mà khoảng trống để trãi dài 5 năm uổng lắm mà cây sâm này có 10 tháng. Bà con mạnh dạn trồng cây sâm bố chính này có giá trị đối với người nông dân có thêm nguồn thu nhập đỡ hơn”
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình xen canh cây dược liệu Sâm Bố Chính, Hội nông dân xã Bình Minh đã mạnh dạn giới thiệu mô hình của anh Quý đến với bà con nông dân đang cải tạo, chuyển đổi cây trồng từ vườn điều già cỗi nhằm giúp bà con nông dân khai thác hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Bình Minh, có rất nhiều vườn điều già cỗi, năng suất thấp cần chuyển đổi cây trồng theo hướng cây ăn trái, cây lấy múi nên có xu hướng chuyển đổi cây trồng. Nhằm giúp người nông dân khai thác hiệu quả sử dụng đất, nhất là giai đoạn kiến thiết cơ bản, chờ thu hoạch cây chính vụ, Hội Nông dân xã phối kết hợp với khuyến nông xã vận động các hộ gia đình trồng xen canh cây dược liệu Sâm Bố. Hiện nay cây dược liệu Sâm Bố Chính phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có đầu ra ổn định. Hiệu quả của cây dược liệu này gấp 2 – 2,5 lần so với vườn điều già cỗi. Đây là một trong hướng đi mới của xã và được Hội nông dân xã khuyến khích đầu tư để phát triển kinh tế, để chuyển đổi cây trồng góp phần phát triển kinh tế của xã nhà.”.
Bù Đăng với đặc thù là vùng khí hậu mưa thuận, gió hòa, là vùng đất đỏ bazan nên có khi hậu phù hợp trồng các loại cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Bố Chính. Thông qua mô hình trồng xen cây dược liệu Sâm Bố Chính không chỉ góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân, mà còn góp phần giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng dinh dưỡng của Đất, hạn chế xói mòn đất.
Kỹ Sư Bùi Văn Vĩnh – Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: “Thời gian gần đây, nhận thấy nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, với tinh thần chia sẽ khó khăn với nông dân, lấy ngắn nuôi dài, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Bù Đăng đưa ra các mô hình trồng xen canh Sâm Bố Chính trên địa bàn thị trấn và xã Bình Minh. Mô hình này được nhiều bà con đón nhận, vì khi chuyển đổi cây trồng, với diện tích canh tác đang dư và trống rất nhiều, nhất là các vườn bà con trồng cây ăn trái, chúng tôi triển khai tận dụng đất trống để bà con vừa có nguồn thu, che phủ được đất, giảm thiểu vấn đề ảnh hưởng mưa rửa trôi hoặc xử dụng biện phát xịt cỏ ảnh hưởng việc xử lý cỏ dại trên vườn. Đến thời điểm này, các mô hình Sâm Bố Chính phát triển tốt, đang trong giai đoạn ra hoa và cho thu hoạch quả. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai, nhân rộng trên địa bàn huyện, qua đó góp phần giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập”
Theo y học cổ truyền, cây Sâm Bố Chính là loại dược liệu có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch. Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý.
Với hiệu quả ban đầu của mô hình xen canh cây dược liệu Sâm Bố Chính, Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Bình Minh cùng với chính quyền địa phương quy hoạch, tuyên truyền vận động nông dân trồng, nhân giống và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật; đồng thời, liên kết sản xuất, giới thiệu các doanh nghiệp hợp tác theo hướng chuyên canh góp phần phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.