VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT GẮN LIỀN VỚI NGUỒN CẢM HỨNG SÁNG TẠO CỦA MỖI NGƯỜI
Thứ năm - 16/03/2023 22:127150
Sáng ngày 17-3, tại Khu Bảo tồn dân tộc S’tieng Sok Bom Bo, Huyện uỷ Bù Đăng tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Đồng chí Vũ Tiến Điền - TUV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước về dự và chỉ đạo hội nghị, cùng dự có đồng chí Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Phước và lãnh đạo Ban Tuyên giáo 10 huyện, thị bạn; đồng chí Nguyễn Tấn Hồng - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị còn có các đồng chí Uỷ viên BTV, BCH Đảng bộ huyện, Bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc và hơn 130 đại biểu trong huyện về dự.
Quan điểm được nêu trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”.
Văn học, nghệ thuật gắn liền với nguồn cảm hứng sáng tạo của mỗi người, vì vậy ngoài việc quán triệt, triển khai Nghị quyết, xã hội hoá các hoạt động văn hoá, sưu tập, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá mang bản sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng luôn được quan tâm chỉ đạo. Là một trong những vùng đất non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình gắn với truyền thống yêu nước nồng nàn của người dân nơi đây, Bù Đăng còn là mái nhà chung của 34 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước, vì vậy văn hoá ở Bù Đăng luôn mang tính truyền thống, tổng hợp, đa dạng và phong phú. Đây cũng là đặc điểm nổi bật để Bù Đăng có thể triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” trên địa bàn huyện. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá, nghệ thuật trong đời sống tinh thần của nhân dân, Huyện uỷ Bù Đăng đã chỉ đạo thành lập Hội Văn học Nghệ thuật cấp huyện, đối với các địa phương tuỳ theo điều kiện để tổ chức các câu lạc bộ nhằm tập hợp những người có thiên hướng sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật tham gia các hoạt động sáng tác về vùng đất và con người Bù Đăng. Trên tinh thần “Văn học, nghệ thuật là một mặt trận” trong các năm qua, hội viên Hội văn học nghệ thuật huyện đã sáng tác 77 tác phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật (thơ 63, ca cổ 09, truyện ngắn 02, nhạc 03), trong đó có một số tác phẩm đạt giải cao ở các hội thi sáng tác cấp tỉnh và khu vực. Điều đó đã phản ánh sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội đi đôi với nhu cầu giải trí về mặt tinh thần của Nhân dân. Các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phản ánh chân thực về đời sống và con người Bù Đăng trong thời kỳ đổi mới, thông qua các tác phẩm đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, trong đó có một số tác phẩm đạt giải trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Các hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ; biểu diễn, triển lãm nghệ thuật cũng được chú trọng và phát huy góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vũ Tiến Điền nhấn mạnh: “Bù Đăng có nhiều danh lam thắng cảnh, có khu Bảo tồn S’tiêng sóc Bom Bo nổi tiếng mà ai trên cả nước cũng biết đến thông qua bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” để lưu giữ các nét đẹp truyền thống của con người và mãnh đất anh hùng; là huyện duy nhất có bộ đàn đá và bộ Cồng chiêng được công nhận là bảo vật quốc gia… Và Bù Đăng cũng là huyện duy nhất thành lập được Hội VHNT và nhiều Câu lạc bộ sáng tác, biểu diễn VHNT. Đó là động lực, là lợi thế để Bù Đăng phải hết sức quan tâm và phát huy để giữ gìn và phát triển nền văn hoá nghệ thuật gắn với phát triển kinh tế trong thời gian tới.