Hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bù Đăng, nhiệm kỳ 2020-2025: Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân

Thứ năm - 28/05/2020 03:35 709 0
Mặc dù nguồn quỹ hỗ trợ mỗi hộ chỉ dao động từ 15 đến 80 triệu đồng, nhưng các dự án cho vay được sử dụng đúng mục đích đã góp phần cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên. Đặc biệt các dự án tái canh, cải tạo “trẻ hóa” vườn điều già trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có vai trò tuyên truyền, thúc đẩy bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, phẩm chất hạt điều.
1
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Đào Văn Dũng thăm vườn điều của gia đình ông Điểu Noi tái canh tháng 6/2018
Tái canh vườn điều già
Gia đình ông Điểu Noi (1969), dân tộc M’nông, thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng có 10 ha đất canh tác, chủ yếu là trồng điều, một số diện tích đã trồng xen cà phê. Ông Noi cho biết: “Vì đa số điều trồng bằng hạt, giống cũ từ những năm 1990 nên già, cỗi, năng suất thấp, chỉ đạt 2 tạ/ha. Nhiều cây bị tầm gửi quấn quanh thân, nhiều sâu đục thân nên tôi muốn tái canh”. Tháng 6-2018, gia đình ông Noi được Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 35 triệu đồng để thực hiện dự án tái canh vườn điều. Ông Noi đã cắt trắng 2,2 ha cây điều, thuê thợ khoan lỗ với khoảng cách 4x4m, đồng thời trồng 1.400 cây điều giống PN1. Thăm rẫy điều của ông Noi phía sau Trảng cỏ Bù Lạch, chúng tôi khá ngạc nhiêu vì mặc dù cây điều mới cao hơn 1m, nhưng xòe tán và có nhiều trái. Tuy nhiên, mật độ trồng dày. Giải thích về điều này, ông Noi cho biết: “Vì đều giống PN1 cho trái sớm, nên trồng mật độ dày để có thu hoạch ngay, ví dụ vụ 2020 này, gia đình tôi đã thu 400kg. Sau 4-5 năm nữa, điều lớn và khép tán tôi sẽ thực hiện biện pháp tỉa cây để có khoảng cách phù hợp”.
Dự án tái canh vườn điều của ông Noi được Hội Nông dân xã Đồng Nai đặc biệt quan tâm, bởi đây được xem là mô hình điểm để bà con dân tộc thiểu số trong xã học tập và áp dụng. Ông Đinh Xuân Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai cho biết: Toàn xã có 3.043 ha điều. Trong đó, 70% diện tích của đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn điều già, năng suất thấp. Muốn tuyên truyền thay đổi tập quán canh tác của bà con cần phải có phương pháp cụ thể. Ông Noi vừa là Mục sư, vừa là “Người có uy tín” trong đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình có khả năng tái canh tốt nên xã xây dựng mô hình này để bà con học tập, áp dụng. Kết quả, trong 2 năm 2018 và 2019, xã Đồng Nai đã có hàng chục hộ thực hiện tái canh vườn điều với tổng diện tích trên 177ha, nâng tổng diện tích điều tái canh và xen canh từ 2015-2019 toàn xã là 240,5 ha. Số cây giống do Hội Nông dân xã cung cấp từ các dự án hỗ trợ giá của huyện là 39.815 cây.
11
Ông Lê Quang Vinh - Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Kết hướng dẫn ông Tài cách ghép chồi giống mới trên cây điều
Trẻ hóa vườn điều tăng năng suất
Gia đình ông Lê Huỳnh Tài (1967), thôn 5, xã Đoàn Kết có 3ha điều trồng từ khoảng 30 năm trước. Những thân cây to, lớn cả người ôm không hết nhưng kém năng suất khiến ông Tài muốn cải tạo lại vườn điều bằng cách ghép chồi giống mới. Năm 2019, gia đình ông được Quỹ hỗ trợ nông dân Bù Đăng cho vay 80 triệu đồng, nhằm cải tạo 3ha điều. Thời gian thực hiện trong 3 năm. Sau khi thu hoạch, tháng 4-2019, gia đình ông Tài tiến hành chọn những cây sâu bệnh nặng, không có trái, năng suất thấp cưa chụi. Vị trí cưa cách mặt đất khoảng 1,5-2m, chỉ để lại từ 2 đến 4 nhánh lớn trên 1 thân cây. Tại chỗ cưa, ông bôi thuốc bảo vệ thực vật phòng, chống sâu, bệnh gây hại. Sau vài tháng, những chồi non bắt đầu mọc ra từ những thân cây, ông Tài giữ lại khoảng 20-30 chồi, phân bố đều theo các hướng của cây đảm bảo cân đối. Khi chồi có 5-7 cặp lá, đường kính từ 1- 1,5cm, chiều cao từ 40cm-50cm không bị sâu bệnh hại thì tiến hành ghép. Ông Tài cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi cưa, cải tạo 1/3 diện tích, số còn lại phải để tiếp tục thu hoạch. Chồi ghép có 2 loại, gồm lấy chồi từ những cây có năng suất, chất lượng tốt, nếu thiếu sẽ mua chồi ghép giống PN1 từ các vườn đầu dòng”. Ông Lê Quang Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết cho biết: Phương pháp ghép chồi nhằm “trẻ hóa” vườn điều đang được nông dân áp dụng có nhiều lợi thế, không chỉ rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí mà năng suất cao hơn hẳn so với trước. Bởi năm đầu tiên sau khi ghép, cây đã cho trái bói. Năm thứ 2, dự kiến cho thu khoảng 10-15kg/cây, tương ứng với 2.200kg- 3.300kg/ha, năm thứ 3 sẽ đạt khoảng 3.500- 3.800kg/ha. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện thành công mô hình này, xây dựng thành mô hình điểm để trình diễn, đồng thời tuyên truyền phổ biến, hỗ trợ kỹ thuật ghép để bà con trong toàn xã áp dụng.  
Ông Đào Văn Dũng - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho biết: Huyện hội đang quản lý 32 dự án hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế từ nguồn quỹ của Trung ương hội, tỉnh hội và huyện hội với tổng nguồn vốn 3,395 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ 111 hội viên phát triển kinh tế chủ yếu chăm sóc, tái canh vườn điều, cà phê, cây ăn trái và các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước khi giải ngân vốn, Hội nông dân cơ sở tổ chức bình xét, khảo sát kỹ về tính khả thi, hiệu quả đầu tư và khả năng hoàn vốn của từng hộ. Vì nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp rất hạn chế nên Hội Nông dân huyện Bù Đăng ưu tiên cho các dự án tái canh, cải tạo vườn điều già để đạt năng suất cao.

Tác giả bài viết: Anh Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây