Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện: Phân bổ hơn 27,5 tỷ đồng để cho vay trong Quý I năm 2021

Thứ hai - 19/04/2021 22:12 903 0
Chiều ngày 16 tháng 04 năm 2021, Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Bù Đăng tổ chức phiên họp thường kỳ quý I năm 2021 để đánh giá kết quả hoạt động quý I năm 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2021. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu - UVTV, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSH huyện chủ trì cuộc họp.
2
Trưởng Ban Đại diện NH CSXH huyện Nguyễn Văn Lưu phát biểu kết luận cuộc họp
Trong Quý I năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trước tình hình dịch bệnh Covid -19, sản lượng thu hoạch điều của một số nơi chưa được như mong muốn của người dân nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Huyện ủy, Ủy ban nhân huyện và Trưởng Ban đại diện, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách; tích cực giải ngân các chương trình tín dụng; triển khai huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV
Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của huyện ngay từ đầu năm đã chuyển sang 1,2 tỷ đồng để kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Đặc biệt, ngay trong quý I, NHCSXH cấp trên đã phân giao bổ sung nguồn vốn là 26,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 8,9%, tổng dư nợ đạt 324,9 tỷ đồng, tăng 8,2 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch; nợ quá hạn giảm 57 triệu đồng so với đầu năm, chiếm 0,18% ( tỉ lệ giảm 0,02%). Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 612 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 41 lao động; hỗ trợ 15 lượt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn; xây dựng 514 công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh ở nông thôn; cho vay mua và xây dựng mới được 3 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP,….
Ngân hàng CSXH huyện cũng đã thực hiện cho vay 110 hộ/ 4,5 tỷ đồng có tên trong Danh sách 202 hộ nghèo DTTS thoát nghèo theo kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 02/04/2020 của UBND huyện Bù Đăng.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương; tạo điều kiện cho các Hội đoàn thể tập hợp lực lượng, phát triển hội viên; tiếp tục góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách như: Vẫn còn một số Hội đoàn thể nhận ủy thác chưa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Nợ quá hạn vẫn còn phát sinh, vẫn còn trường hợp hộ vay bán đất, chuyển nhượng tài sản bỏ đi khỏi địa phương nhưng không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nhà nước,…
Nhằm chấn chỉnh những hạn chế và tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Trưởng Ban đại diện HĐQT  Ngân hàng CSXH huyện đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quý I năm 2020, và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong quý II năm 2021 như sau:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Tăng cường sự phối hợp của cơ quan có liên quan, thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác thu hồi nợ đối với các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất có vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội được ban hành kèm theo Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 19/03/2021 của UBND tỉnh Bình Phước.
NHCSXH huyện cần tiếp tục phối hợp với các tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng và triển khai cho vay đúng quy định. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về việc huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ chức và cá nhân và huy động tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Tập trung xử lý nợ đến hạn kịp thời, không để nợ quá hạn phát sinh. Chủ động phối hợp chặt chẽ, bám sát từng món vay, tổng hợp phân tích chi tiết các khoản nợ đến hạn hàng tháng theo địa bàn và theo tổ chức hội để có biện pháp xử lý đôn đốc thu hồi; Phối hợp thực hiện tốt công tác thu lãi hàng tháng, chú trọng tăng cường đôn đốc đối với những tổ TK&VV, hộ vay có lãi tồn đọng lớn.
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn – thành viên Ban đại diện cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, Thường xuyên bố trí lãnh đạo UBND xã cùng tham gia họp giao ban với NHCSXH huyện, Hội đoàn thể và tổ Tiết kiệm và vay vốn để kịp thời nắm bắt và chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý tín dụng chính sách tại địa phương.

Tác giả bài viết: Hương Trần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây